Khoảng 75% người dân chưa hài lòng về Đề án
14:36 06/10/2017
Sáng ngày 5/10, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị “Phản biện xã hội Dự thảo đề án cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2018 – 2020”.
...
Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội nghị.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Đề án Cấp nước nhỏ lẻ phục vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2018 – 2020 (gọi tắt là đề án), do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hậu Giang (Trung tâm NS&VSMTNT), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện.

Tính đến hết năm 2016, Hậu Giang có 63,89% dân số vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, tương đương với 95.398 hộ. Do đó, hiện vẫn còn hơn 66% dân số (tương đương 48.128 hộ dân) vẫn chưa được sử dụng nước đạt chuẩn.

Mục tiêu của đề án hướng đến giải quyết khó khăn cho 15% số hộ dân sống phân tán tại khu vực nông thôn (tương đương 21.000 hộ) có được nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt gia đình.    

Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ 50% trong tổng số 21.000 hộ xử lí nước giếng khoan đảm bảo quy chuẩn nước sạch; hỗ trợ đầu tư hệ thống lọc nước giếng khoan cải tiến cho 5.250 hộ; hỗ trợ hệ thống lọc nước RO để xử lí nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt cho 5.250 hộ; hỗ trợ bồn chứa nước mưa và hệ thống lọc nước RO xử lí nước sông,... Tổng số vốn đầu tư thực hiện dự án ước khoảng hơn 141,7 tỉ đồng từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ (48%) và vốn đối ứng của người dân (52%).

Tại hội nghị, ông Đặng Cao Trí, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao sự cần thiết của đề án. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm đề án chưa đảm bảo như: một số điểm chưa phù hợp với cơ sở pháp lí để thực hiện, không nêu được giải pháp huy động nguồn vốn từ xã hội hóa mà chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ ngân sách, trong khi nguồn vốn đối ứng từ người dân cũng khá lớn mà thu nhập của các hộ này chủ yếu ở vùng khó khăn. Ngoài ra, nhiều số liệu điều tra, khảo sát của đề án vẫn chưa được cập nhật và không chính xác.

PGS.TS Bùi Thị Nga – Trường Đại học Cần Thơ băn khoăn, liệu đưa hệ thống máy lọc nước RO, cộng với hệ thống lọc sơ bộ có phù hợp với điều kiện ở nông thôn, trong khi RO chủ yếu phù hợp với đô thị vì có sẵn nước máy.

Bà Bùi Thị Nga lo lắng, không có minh chứng để biết hệ thống RO lọc được nước phèn, nước sông vì nguồn này hàm lượng sắt, nhôm nhiều dễ dàng làm hư hỏng màn lọc, thời gian sử dụng màn lọc RO sẽ giảm, chi phí sửa chữa sẽ tăng. Hệ thống có lỗi, thì người dân liên hệ với ai? Đề án cần viết lại một cách rất chi tiết, phải để người dân có nhiều lựa chọn và phù hợp với nhiều đối tượng. Đề nghị đề án cần phân tích rõ về hiệu quả kinh tế, kĩ thuật, cũng như có biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng các mẫu nước, kể cả nước mưa ở một số vùng có nguy cơ ô nhiễm.

Ông Bùi Trí Thức, Trưởng phòng Xây dựng Đảng - Nội chính báo Hậu Giang, cho biết: Qua khảo sát sơ bộ tại 12 ấp (mỗi ấp có đến 10 – 25 người dân), chúng tôi thấy có đến 75% chưa vừa lòng với giải pháp cung cấp nước nhỏ lẻ từ đề án. Bà con cho biết muốn “vô nước như vô điện” để xài, thà đóng tiền hàng tháng, chứ bây giờ đầu tư hệ thống xử lí, chứa nước sẽ tăng gánh nặng cho gia đình. Ông Thức đặt vấn đề: Phải chăng cần thiết thì đúng nhưng bức bách thì chưa? Phải chăng bà con thiếu nhưng chưa thật sự cần?.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, bà Huỳnh Thị Ngọc Hường nêu quan điểm: Đề án phải xem xét nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt quan tâm đến thực trạng, nhu cầu sử dụng nước sạch của bà con, xem xét lại các tiêu chí phân bổ, hỗ trợ, định mức cho các huyện, thị thành một cách phù hợp.

Ông Huỳnh Hữu Kế, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao tinh thần phản biện, sự quan tâm đóng góp thẳng thắn, chân thành của các cá nhân, đơn vị có liên quan đối với đề án. Tính đến nay, MTTQ tỉnh cũng đã tiếp nhận 220 ý kiến góp ý của người dân về đề án, trong đó vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng tình và đóng góp đề hoàn thiện đề án.

Ông Kế đề nghị Trung tâm NS&VSMTNT cần xem lại toàn bộ ý kiến phản biện của các cá nhân, tổ chức, đơn vị liên quan đến đề án. Trong đó, cần lưu ý đến các cơ sở pháp lí của đề án, nhất là các chỉ đạo của trung ương về vấn đề nước sạch nông thôn. Đồng thời, thống kê lại thực trạng các công trình cấp nước sạch tại địa phương, xác định rõ tỉ lệ hộ nhỏ lẻ, phân tán có nhu cầu về nước sạch, cũng như điều tra cụ thể về nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, cần xem xét phương án huy động vốn, cũng như nguồn lực đầu tư xã hội hóa.

Người đứng đầu Mặt trận tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh thêm: Qua công tác phản biện, với sự tham gia của các chuyên gia, tổ chức, đơn vị quản lí, sẽ là những đóng góp chân thành, thẳng thắn, và hữu ích cho đơn vị lập đề án, cũng như công tác tham mưu trong suốt quá trình thực hiện. Phản biện để hoàn thiện chứ không để bác bỏ, do đó đơn vị lập đề án cần quan tâm, xem xét tất cả các ý kiến phản biện một cách nghiêm túc.

Tuấn Quang

(Nguồn: Báo Đại đoàn kết)