Những cách làm mới trong giảm nghèo ở Hậu Giang: Giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên
13:49 16/10/2018
Những năm qua bằng nhiều hình thức, cách làm, giải pháp, nhiều địa phương đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững.
...
Ông Phan Thạch Em (áo sọc), Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, đến thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, đảng viên trên địa bàn.

Những sự giúp đỡ đậm tình đồng chí

Đến nhà bà Trương Thị Liên Hoa, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A vào chiều một ngày cuối năm, bên hiên nhà, vợ chồng bà Hoa trò chuyện rôm rả cùng một vài người hàng xóm. Mọi người nói chuyện vui vẻ, kể cho nhau nghe về những việc đã làm được và không quên bàn về những việc làm ý nghĩa mà Huyện ủy Châu Thành A đã chỉ đạo thực hiện trong năm qua. Đó là việc ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong gia đình chính sách, đảng viên thuộc hộ nghèo (Nghị quyết 07). Nhấp ly trà nóng, ăn miếng mứt gừng cay cay, ông Đoàn Văn Kiệm, chồng bà Hoa nói: “Mấy anh ở Huyện ủy, UBND huyện quan tâm lắm, nào là hỗ trợ nhà ở, hướng dẫn cách làm ăn để gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt, đồng chí Bí thư Huyện ủy Phan Thạch Em còn đến tận gia đình thăm hỏi, động viên, khuyến khích chúng tôi cố gắng vươn lên, sớm ổn định cuộc sống. Chính tình cảm chân tình của đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng sự chăm lo hỗ trợ của các cấp, các ngành là đòn bẩy giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”. Tiếp lời chồng, bà Hoa nói: “Mấy anh chị biết không, đâu chỉ gia đình tôi, mà 41 hộ gia đình chính sách và đảng viên nghèo khác trên địa bàn huyện cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ. Các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương còn nhận đỡ đầu để giúp gia đình làm ăn cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội. Nhờ vậy, cuộc sống ổn định hơn”.

Gia đình bà Hoa có 3 đảng viên và là hộ nghèo đã mấy năm nay. Những năm qua, dẫu vợ chồng bà cố gắng làm ăn, song cái nghèo mãi đeo bám, căn nhà trống trước hở sau, lụp xụp, mục nát lâu ngày gia đình không cách nào tu sửa được, bởi lo cái ăn, cái mặc hàng ngày còn khó, thì chuyện sửa nhà vượt quá xa tầm với của gia đình. Năm 2017, thực hiện Nghị quyết 07, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã nhận đỡ đầu gia đình. Nhằm giúp vợ chồng bà Hoa có mái ấm để an cư, hai đơn vị đã đóng góp hỗ trợ gia đình 40 triệu đồng, cất lại căn nhà. Ngày căn nhà được khởi công xây dựng, cả gia đình vui mừng như mở hội, bởi giấc mơ bấy lâu đã trở thành sự thật. “Năm nay, nhà cửa kiên cố, người thân, bạn bè, dòng họ đến thăm, vợ chồng tôi không còn tủi thân nữa rồi. Nếu không có sự giúp sức, xuân này và nhiều xuân nữa, gia đình tôi chắc vẫn còn ở trong căn nhà lụp xụp ấy”, bà Hoa chia sẻ.

Có nhà ở ổn định, gia đình bà Hoa cố gắng làm ăn, đặc biệt người con trai út đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh mỗi tháng gửi về cho vợ chồng bà 5 triệu đồng. Ông bà chi tiêu tiết kiệm, cộng thêm tiền phụ cấp công tác ở ấp của bà nên cũng dư được chút đỉnh.

Thực hiện theo Nghị quyết 07, đến nay, toàn huyện có 40/42 hộ thoát nghèo, trong đó có 31 hộ đảng viên và 9 hộ gia đình chính sách... Đối với 2 gia đình chính sách chưa thoát nghèo, địa phương thực hiện bảo trợ xã hội, nhằm giúp gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Bí thư Huyện ủy Châu Thành A Phan Thạch Em cho biết: “Dù các gia đình chính sách, đảng viên đã thoát nghèo, nhưng với tinh thần trách nhiệm, các cơ quan, ban, ngành được phân công giúp đỡ, hỗ trợ vẫn phải tiếp tục giúp đỡ, động viên, thăm hỏi, chia sẻ để những gia chính sách, đảng viên này thoát nghèo bền vững, tránh nguy cơ tái nghèo”.

Xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo

Nhờ mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả, gia đình anh Hoàng Anh - chị Trúc đã thoát được cảnh nghèo.

Hoàn cảnh khó khăn, không có đất ruộng để sản xuất, nên mỗi ngày vợ chồng anh Trần Văn Cẩu, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, phải đi làm thuê, làm mướn để lo miếng cơm, manh áo và chuyện học hành của hai đứa con thơ dại. Vì vậy, cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau, nên chuyện thoát được cảnh nghèo dường như quá khó với vợ chồng anh. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn ấy, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình anh tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi không tính lãi suất, thực hiện mô hình kinh tế, nhằm cải thiện cuộc sống. Anh Cẩu bộc bạch: “Được vay vốn không tính lãi suất, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ số tiền ấy, tôi đã đầu tư vào nuôi lục bình. Nhờ công việc này, cuộc sống cũng dần ổn định”.

Làm nhiều việc, tiết kiệm trong chi tiêu, nên cuộc sống gia đình cũng dần cải thiện. Đến nay, gia đình đã trả được số tiền vay ưu đãi, đồng thời còn gom góp mua được 1.500m2. Theo anh Cẩu, dẫu số tiền mua đất là do vợ chồng anh tích góp, cộng thêm gia đình cho mượn, nhưng với gia đình được như vầy đã quý lắm rồi. Hiện nay, sau khi điều tra rà soát, với số điểm có được, gia đình đã chính thức gạch tên mình ra khỏi danh sách hộ nghèo. “Là hộ nghèo dù được hưởng nhiều chế độ, chính sách của Nhà nước, nhưng mang mặc cảm lắm, dù không nói ra nhưng người ta ít nhiều cũng cười chê. Rồi nghĩ mình lười biếng nên mới nghèo, mới khổ. Bây giờ thoát nghèo rồi, chúng tôi sẽ cố gắng lao động hơn nữa, để tránh tái nghèo”, anh Cẩu tâm sự.

Cũng nhờ thực hiện mô hình nuôi bò, đời sống kinh tế gia đình anh Nguyễn Hoàng Anh, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy ngày càng ổn định và thoát được cảnh nghèo. Không ruộng vườn, để mưu sinh, anh Hoàng Anh đi làm thuê làm mướn quanh năm, chỉ mong lo đủ hai bữa cơm. Thế nhưng, cuộc sống cứ mãi túng thiếu. Vì vậy, anh luôn trăn trở không biết làm cách nào để có thể nâng cao thu nhập cho gia đình. Trong một lần tình cờ, anh xem ti vi thấy người ta nuôi bò cho lợi nhuận cao, lúc này anh liền bàn với vợ vay tiền Nhà nước mua bò về nuôi.

Với số tiền 30 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh đã mua bò hết 25 triệu đồng. Nhờ chăm sóc chu đáo, tiêm ngừa đầy đủ, bò phát triển tốt, nên năm sau bò xuất bán mang về nguồn lợi nhuận cho gia đình 24 triệu đồng. Với số vốn có được, gia đình liền vay thêm tiền để mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Hiện nay, đàn bò của gia đình đã lên đến 10 con. Chị Phạm Thị Trúc (vợ anh Hoàng Anh) chia sẻ: “Nhờ nguồn vay vốn mà gia đình tôi có điều kiện làm ăn, cải thiện đời sống. Chúng tôi sẽ cố gắng làm ăn, để kinh tế gia đình ngày càng phát triển, tránh tình trạng tái nghèo”.

Từ những cách làm sáng tạo, mô hình mang hiệu quả cao, đã giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Có thể nói, giảm nghèo là “chìa khóa” để nâng cao mức sống cho người dân. Để thực hiện tốt công tác này, đòi hỏi các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo và thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Không để một cán bộ, đảng viên nào đứng ngoài cuộc

Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, cho biết: Qua thực tế đi cơ sở, chúng tôi thấy có tội với các gia đình chính sách, bởi hơn 40 năm giải phóng mà vẫn còn gia đình chính sách nghèo. Đồng thời, thấy có khuyết điểm với các đồng chí, đồng đội khi vẫn còn đảng viên thuộc hộ nghèo. Đây là nỗi trăn trở rất lớn, trách nhiệm của chúng tôi là phải tìm ra nguyên nhân, giải pháp để giúp mọi người vươn lên thoát nghèo. Khi thực hiện Nghị quyết 07, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải làm một việc nghĩa để giúp đỡ gia đình chính sách, đảng viên nghèo, nhất quyết không để một cán bộ, đảng viên nào đứng ngoài cuộc…

Trong năm, các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong huyện đã đóng góp trên 121 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chính sách, đảng viên nghèo như hỗ trợ cây, con giống, công cụ sản xuất… Ngoài ra, tranh thủ các chương trình, nguồn vận động, đóng góp của đảng viên huyện đã cất mới 14 căn nhà, sửa chữa 27 căn nhà cho các gia đình, với tổng kinh phí trên 1 tỉ đồng.


Đối thoại để hiểu dân hơn

- Với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo, để từ đó có giải pháp hỗ trợ, giúp hộ nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, những năm qua, thị xã Ngã Bảy đã thực hiện tốt công tác đối thoại với hộ nghèo. Bà Bùi Thị Lệ Hoa, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, cho biết: “Việc gặp gỡ, đối thoại với hộ nghèo sẽ tạo điều kiện để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà mình quan tâm với ngành chức năng. Qua đó, ngành chức năng và chính quyền địa phương đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể, giúp hộ nghèo gia tăng thu nhập, từng bước tiếp cận các dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng đời sống”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

(Nguồn: Báo Hậu Giang)