Đại đoàn kết đền ơn đáp nghĩa và vì an sinh phúc lợi xã hội
09:55 01/09/2020
Những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đền ơn đáp nghĩa và vì an sinh xã hội... Bà Thái Thu Xương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết cụ thể:
...
Bài Thái Thu Xương (trái), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhận kinh phí chăm lo quà tết cho Nhân dân tỉnh Hậu Giang từ đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh.

- Có thể khẳng định, những năm qua, hoạt động của MTTQ các cấp ngày càng đổi mới về nội dung và phương thức, tập trung mạnh cho cơ sở. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được đặc biệt quan tâm; hoạt động gây Quỹ vì người nghèo, Quỹ an sinh phúc lợi xã hội, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” được thực hiện thường xuyên, liên tục, mang lại nhiều kết quả thiết thực...

Những năm đầu tỉnh mới thành lập, còn nhiều khó khăn thì tinh thần ấy như thế nào, thưa bà ?

- Sau khi Hậu Giang được thành lập - năm 2004, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, cuộc sống gia đình chính sách, người có công còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu thấp, cuối năm 2003 là 5,2 triệu đồng/người/năm thì Hậu Giang xác định tập trung phát triển kinh tế và chăm lo cho gia đình chính sách, người có công là nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể nhất là tập trung xây mới 3.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình chính sách và hộ nghèo. Tính từ năm 2004 đến tháng 9-2010, tỉnh vận động trong xã hội đóng góp trên 815 tỉ đồng, xây trên 20.000 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23,5% vào năm 2006 xuống còn dưới 8% vào năm 2010.

MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã cụ thể việc làm thành những chương trình, kế hoạch phù hợp vận động các nguồn lực để tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm mức sống của gia đình chính sách, gia đình người có công khá hơn trung bình người dân địa phương.

Chúng tôi cũng tuyên truyền, phát động các phong trào “Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ làm kinh tế giỏi”; “Xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc”; “Tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm”; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh; xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Riêng trong công tác giảm nghèo, MTTQ các cấp lồng ghép chặt chẽ thực hiện các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với các tiêu chí về giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, tích cực vận động gây Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo và Chương trình an sinh phúc lợi xã hội…

Kết quả thu được như thế nào, thưa bà ?

- Những việc làm, giải pháp cụ thể trên cho thấy từ năm 2010-2015, MTTQ các cấp và tổ chức thành viên vận động được 2.035,3 tỉ đồng. Trong đó, Quỹ đền ơn đáp nghĩa 11,8 tỉ đồng, qua đó xây dựng 365 căn nhà tình nghĩa; Quỹ vì người nghèo 409,7 tỉ đồng, từ đó xây dựng 2.923 nhà đại đoàn kết; Chương trình an sinh phúc lợi xã hội 1.625.5 tỉ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị và hoạt động nhân đạo, từ thiện hơn 1.445 tỉ đồng.

Từ năm 2015 đến nay, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên vận động 1.221 tỉ đồng: Quỹ vì người nghèo 263,7 tỉ đồng, Quỹ an sinh phúc lợi xã hội 957,3 tỉ đồng; phối hợp xây dựng, sửa chữa hơn 2.120 nhà tình nghĩa, 2.699 nhà đại đoàn kết và triển khai xây dựng hàng trăm công trình phúc lợi công cộng với kinh phí hơn 1.200 tỉ đồng. Đã xây dựng và nhân rộng hơn 1.000 mô hình hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,4% năm 2015 xuống còn 3,1% năm 2020. Đến nay, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư tại nơi cư trú.

Bà đánh giá như thế nào về sự đoàn kết, chia sẻ trong công tác đền ơn đáp nghĩa và an sinh của toàn xã hội ?

- Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tỉnh nhà với sự chủ động, tích cực, không ngừng cống hiến. Quan trọng không kém là tinh thần sẻ chia của tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, từng cá nhân luôn tích cực chung tay chung sức vì một tỉnh nghèo Hậu Giang sớm đổi khác.

Thưa bà, tinh thần đại đoàn kết nói chung và đoàn kết trong đền ơn đáp nghĩa, an sinh phúc lợi xã hội sẽ được phát huy như thế nào trong thời gian tới ?

- Hậu Giang đã và đang phát triển bền vững trên nền tảng của Hậu Giang những năm đầu chia tách. Đó là phát triển kinh tế bền vững cùng với vận động toàn xã hội chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo và xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Vì vậy, MTTQ và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục quan tâm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong vận động Nhân dân phát triển kinh tế đi đôi với đền ơn đáp nghĩa và an sinh phúc lợi xã hội; bám vào dân, trân trọng sự đóng góp, đùm bọc của dân; chăm lo cho Nhân dân nhiều hơn nữa.

Tôi cho rằng tỉnh nhà đã và đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi làm nền tảng để vươn lên trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng không ít khó khăn, do đó Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên sẽ sáng tạo hơn nữa để có nhiều giải pháp mới phù hợp, quyết tâm phấn đấu, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm của mình động viên toàn dân ra sức thi đua, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Hậu Giang có hơn 10.000 người đang hưởng trợ cấp chính sách hàng tháng, trong đó gần 1.500 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 3.000 thương binh, bệnh binh; gần 4.800 thân nhân liệt sĩ và gần 1.600 người dân có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến. Hiện nay, 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận phụng dưỡng đến cuối đời.

 

Xin cảm ơn bà !

TRÍ THỨC thực hiện

(Nguồn: báo Hậu Giang)