Hướng dẫn Tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc năm 2018

Ngày ký: 26/02/2018

HƯỚNG DẪN

Tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc

và quản lý biên giới đất liền năm 2018

 

Căn cứ Hướng dẫn số 103/HD-MTTW-BTT ngày 06/02/2018 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền năm 2018.

Thực hiện Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang năm 2018, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới đất liền năm 2018 trong hệ thống Mặt trận như sau:

  1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
  2. Mục đích

- Mặt trận Tổ quốc các cấp tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền các tuyến Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia nhằm thúc đẩy tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị cùng hợp tác phát triển với các nước láng giềng đồng thời góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo tham mưu cho cấp ủy cùng cấp triển khai công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và tuyên truyền rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, sự cần thiết của công tác phân giới, cắm mốc, việc xây dựng và gìn giữ hệ thống mốc quốc giới hiện đại; về chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của Việt Nam.

  1. Yêu cầu

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp chủ động lồng ghép công tác tuyên truyền về biên giới trên đất liền với tuyên truyền biển đảo, thông tin đối ngoại vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phát động, các nội dung hoạt động khác của công tác Mặt trận, chú trọng trao đổi kinh nghiệm và phối hợp với các lực lượng tham gia tuyên truyền khác.

- Công tác tuyên truyền về biên giới đất liền cần đảm bảo sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của hệ thống chính trị. Thường xuyên nắm thông tin, đảm bảo thế chủ động trong tuyên truyền, nội dung thông tin chính xác, hình thức và biện pháp phong phú, góp phần tạo được nhận thức sâu sắc và thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ được Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

  1. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
  2. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc

- Tiếp tục tuyên truyền về kết quả, ý nghĩa lịch sử và giá trị của việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền; việc xây dựng, quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; các văn bản pháp luật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ, các hiệp định, hiệp ước hai bên đã ký kết về công tác biên giới và yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý biên giới trong tình hình mới. Tuyên truyền triển khai thực hiện 3 văn kiện quản lý biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.

- Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu đời giữa các cấp chính quyền và nhân dân hai nước; các hoạt động hợp tác, trao đổi, giao lưu của các cấp chính quyền và nhân dân hai nước. Tuyên truyền, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý biên giới của hai nước; đấu tranh, phê phán các biểu hiện tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới.

- Tăng cường tuyên truyền, thông tin đối ngoại đến nhân dân về chủ trương xây dựng tuyến biến giới hòa bình, ổn định, cùng phát triển của Việt Nam; củng cố lòng tin và xây dựng, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, chủ quyền biên giới quốc gia nhằm kích động, chia rẽ quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước.

- Chú trọng tuyên truyền tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng; tuyên truyền góp phần nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển kinh tế.

 

  1. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Lào

- Tiếp tục tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử, lợi ích của việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới; xây dựng và quản lý đường biên giới hòa bình, hữu nghị đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Tập trung quán triệt và tuyên truyền các văn bản pháp lý liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, các văn bản pháp lý song phương về biên giới được hai bên ký kết, trong đó có Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào, ký ngày 13/6/2016, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/9/2017.

- Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, đoàn kết, truyền thống gắn bó giữa nhân dân, chính quyền hai nước; khẳng định sự quan tâm, ủng hộ, tình cảm gắn bó thủy chung giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân ta với Đảng, Chính phủ và nhân dân các bộ tộc Lào.

- Tuyên truyền kết quả Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 25/6/2017 tại Hà Nội; Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển năm 2017 được tổ chức vào ngày 14/7/2017 tại Quảng Bình. Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020; Bản thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước giai đoạn 2016 – 2020.

- Tăng cường thông tin đối ngoại về tình đoàn kết, quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào đến với nhân dân Lào và nhân dân thế giới; củng cố lòng tin và xây dựng, bồi đắp quan hệ hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủ quyền biên giới quốc gia nhằm kích động, chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước.

  1. Đối với tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia

-Tuyên truyền về lợi ích, kết quả phân giới, cắm mốc đã hoàn thành trên thực địa; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền giữa hai nước, của việc hoàn thành xây dựng đường biên giới rõ ràng, chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý đối với sự phát triển của mỗi nước và với hòa bình, ổn định của khu vực; nội dung, giá trị và sự phù hợp với luật pháp quốc tế của các văn bản pháp luật, hiệp ước, hiệp định được Việt Nam và Campuchia ký kết về giải quyết biên giới đất liền; tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận giữa hai nước cũng như việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng; về công tác quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc theo quy định của pháp luật mỗi nước.

- Tuyên truyền về quan hệ hữu nghị, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế; truyền thống gắn bó giữa hai dân tộc.

- Tuyên truyền kết quả Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức vào ngày 25/6/2017 tại Hà Nội; Hội nghị quốc tế xây dựng đường biên giới Campuchia – Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển lần thứ 5 được tổ chức vào ngày 16/8/2017 tại tỉnh Kampot, Vương quốc Campuchia. Tuyên truyền về kết quả triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác giữa Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia và Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.

- Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về ý nghĩa công tác phân giới, cắm mốc và xây dựng hệ thống mốc quốc giới chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý quốc tế với sự hợp tác, phát triển của hai nước; ý nghĩa, sự cần thiết của việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề biên giới còn tồn đọng giữa hai nước; nỗ lực hợp tác của hai Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng Việt Nam – Campuchia với sự phát triển chung của khu vực. Ngăn chặn, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả với các quan điểm, thông tin và hành vi lợi dụng vấn đề biên giới lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Campuchia.

 III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

  1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy, chính quyền và các tổ chức thành viên cùng cấp căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể của từng địa phương để xây dựng kế hoạch hướng dẫn Mặt trận cơ sở tuyên truyền theo chiều sâu đến đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư về công tác biên giới đất liền gắn với nội dung tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp, thiết thực, lồng ghép với việc vận động nhân dân thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
  2. Phối hợp với các cơ quan báo, đài của địa phương tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác biên giới trên đất liền.
  3. 3. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố hàng quý báo cáo kết quả tuyên truyền công tác biên giới trên đất liền (lồng ghép vào báo cáo chung) gửi về Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (qua Ban Tổ chức – Tuyên giáo)./.